Tôi đã không vẽ xong bức tranh cho anh ấy, ngày đó tôi và Hà Hữu Dân quấn lấy nhau mấy tiếng, sau đó anh ấy đưa tôi về trường. Không nộp tranh, lần đầu tiên tôi bị giảng viên môn chuyên ngành phê bình, cô là kiểu phụ nữ đi giày cao gót và mặc quần ống loe.
Vào những năm đó trang phục của cô vô cùng mốt, tôi bị cô ra lệnh cưỡng chế về phòng vẽ tranh để vẽ những pho tượng như khúc gỗ kia. Cô nhốt tôi trong một căn phòng nhỏ khép kín, mỗi ngày đều không biết sẽ kiểm tra đột xuất vào mấy giờ. Tôi đã vẽ xong rất nhiều bức chân dung của Hà Hữu Dân trong phòng vẽ tranh đó, nhưng tôi không vẽ khuôn mặt vì lâu rồi không gặp, tôi cũng không biết anh ấy trông ra sao.
Tôi đã gọi điện cho Hà Hữu Dân mấy lần trong vài buổi tối, nhưng anh ấy không nghe máy. Học kỳ một năm hai đại học của tôi đã kết thúc như vậy.
Đêm giao thừa giảng viên nữ này vẫn nhốt tôi trong phòng vẽ tranh, tôi dứt khoát nhảy xuống từ cửa sổ phòng vẽ tranh. Tôi vốn nghĩ tầng hai không cao lắm, nhưng nhảy xuống tôi mới biết ngã gãy một cánh tay xem như số tôi may. Kỳ Cương chờ tôi ở cổng trường, cậu ta đút tay vào túi quần, miệng ngậm điếu thuốc lá.
Nhìn thấy tôi khập khiễng đi tới, cậu ta trợn tròn mắt: “Vì đón giao thừa với anh em của cậu, cậu cũng liều gớm!” “Nói nhảm ít thôi, tôi phải đến bệnh viện, tay tôi gãy rồi!” Tôi không nâng tay trái lên được, tôi cũng không biết mình gắng đi đến cổng trường bằng cách nào.
Chẳng qua là cảm thấy rất phấn khích, vì Kỳ Cương nói với tôi là cậu ta sẽ dẫn tôi đến tháp truyền hình xem đếm ngược. Tôi sống ở đây bao nhiêu năm nhưng chưa từng đến tháp truyền hình, xa quá.
Nó nằm ở trung tâm, hơn nữa đang là dự án dở dang vẫn chưa xây xong. Tôi ngồi vào chiếc xe cậu ta mượn của anh trai, lần này không phải Mercedes-Benz mà là BMW, tôi cũng nhận được.
Hai thương hiệu này đều là anh em tốt.
“Ê, Kỳ Cương, cậu có biết thương hiệu xe có bốn cái vòng không?” Tôi hỏi cậu ta. Kỳ Cương thốt lên: “Audi! Làm sao?” “Không có gì! Chắc cũng rất đắt?” “Nói thừa, nhưng nhiều ông chủ không thích lái xe này, vì lái không phong độ như Mercedes-Benz.
Được rồi, cậu nhanh đi băng bó đi.” Cậu ta ném tôi xuống bệnh viện, tôi đi vào băng bó.
Không có gì đáng ngại chỉ là trật khớp xương, lúc nắn lại tôi đau đến mức la oai oái. Nhưng bắt đầu từ ngày đó tôi cực kỳ chú ý trên đường có xe Audi hay không, nói không chừng gặp được xe của Hà Hữu Dân. Đêm giao thừa chúng tôi đứng trong đám đông, xung quanh có đủ loại thanh niên, họ đều ăn mặc quần áo lộng lẫy đủ màu sắc.
Trên đường toàn là quần ống loe, tôi nhìn thấy quần ống loe sẽ nhớ đến giảng viên mỹ thuật kia, hỏng hết không khí. Tôi bị đám đông chen lấn choáng đầu, bên dưới tháp truyền hình có một cái sân khấu dựng tạm, bên cạnh sân khấu đặt bốn năm cái loa cỡ lớn, đang phát nhạc disco liên tục, chấn động tới mức cả trái đất đang rung chuyển.
Bên ngoài lại lạnh, tôi thực sự không chịu nổi, kéo áo Kỳ Cương nói to: “Đông người quá! Chúng ta rút thôi! Tôi muốn nôn!” “Cậu chẳng được tích sự gì!” Kỳ Cương cũng hét vào tai tôi rất to, “Cậu tự rút đi!” Cậu ta đang lắc đầu rất say mê, giơ một cái tay đứng đó nhảy. Tôi chỉ đành chen đám đông đi ra ngoài, trong lúc đó nhiều lần bị phun nước bọt đầy mặt. Điên quá rồi, tôi lảo đảo chạy ra khỏi đám đông, vịn thùng rác nôn một lúc.
Thật ra tôi không ăn gì cũng không uống rượu, tôi cảm thấy có lẽ mình bị cảm rồi. Tôi ngồi trên ghế dài bên đường, trên đường không có lấy một người, mọi người đang vui hết mình cách đó không xa. Hòa hoãn một lúc lâu, tôi gửi một tin nhắn cho Hà Hữu Dân nói chúc mừng năm mới. Không ngờ anh ấy cũng trả lời tôi, muốn tôi đến tìm anh ấy.
Tôi gọi điện cho Hà Hữu Dân. “Tôi đang ở trung tâm thành phố, không đến được!” Tôi nói với anh ấy. Anh nói: “Vậy tôi đi đón cậu, cậu ở đâu?” Tôi nói cho anh ấy biết mình đang ở chỗ tháp truyền hình, cúp điện thoại, tôi đợi Hà Hữu Dân hơn một tiếng trong gió mà anh ấy vẫn chưa đến. lúc hơn mười hai giờ sắp đến một giờ đã đón giao thừa xong rồi, năm 2001 đã đến một cách điên cuồng như thế. Nhóm người bên kia cũng giải tán, ai về nhà nấy đi tìm mẹ.
Tôi qua đó tìm Kỳ Cương, cậu ta cũng đang tìm tôi. “Cậu đừng chờ tôi nữa, ” Tôi chạy chậm qua, “Lát nữa tôi có bạn đến đón.” Khi nói lời này trong lòng tôi cảm thấy kiêu ngạo không giải thích được. Kỳ Cương mở to mắt nghi ngờ nhìn tôi một lúc: “Cậu có bạn nào?” “Móa, tôi không thể có bạn à! Cậu đừng quan tâm, cậu đi trước đi.” Tôi muốn đuổi cậu ta đi, tôi không muốn để cậu ta biết mình qua lại với Hà Hữu Dân. Sau khi Kỳ Cương đi, tôi lại ngồi xổm bên cạnh loa một lúc, đến khi tôi mất kiên nhẫn, lấy một điếu thuốc ra hút, vừa hút tôi vừa lau nước mũi chảy ra.
Khoảng ba bốn giờ, trời sắp sáng tôi mới nhìn thấy chiếc Audi quen thuộc kia.
Tôi lập tức dụi tắt thuốc lá, lại giơ tay lau mũi một cái, lúc đứng lên chân đã tê nên không chạy được chỉ có thể đi lảo đảo tới. Hà Hữu Dân đứng bên cạnh xe, anh ấy mặc áo bông dài màu đen, nở nụ cười khi nhìn thấy tôi: “Cậu giống người bị thọt vậy.” “Còn không phải vì chờ anh! Má nó anh chậm như rùa!” Tôi lườm anh ấy một cái, Hà Hữu Dân mở cửa xe lại bảo tôi cẩn thận. Tôi ngồi vào, ấm áp hơn hẳn, trong xe của anh ấy đang mở bài hát tôi chưa từng nghe, nhưng rất nhẹ nhàng, là một người đàn ông đang hát. “Tay cậu bị gì thế?” Anh ấy hỏi, tiện thể liếc nhìn tay trái đáng thương của tôi. “Nhảy lầu ngã gãy tay.” Hà Hữu Dân nhíu mày, tôi không chắc trong mắt anh có sự quan tâm hay không, anh ấy nói: “Vậy tối nay chúng ta không làm nữa, tôi dẫn cậu đến một nơi.” Tôi nói được, sau khi nói xong tôi lại nghĩ đến điều gì đó: “Nếu không làm, anh không cảm thấy bị thiệt à ha ha ha ha!”
“Hơi hơi! Cho nên sau này cậu đừng làm chuyện vô nghĩa nữa.” Hà Hữu Dân bất lực cười một cái. Tôi nhìn anh ấy một lúc lâu, Hà Hữu Dân vẫn đối xử với tôi dịu dàng như thế, tôi không nghĩ ra lý do anh ấy không nghe điện thoại, tôi còn tưởng anh phớt lờ mình. “Đây là bài gì.” Tôi hỏi, bài này đã lặp lại hai lần từ lúc tôi lên xe. Anh ấy suy tư chốc lát mới nói: “Tôi quên rồi, hình như là Tình rực cháy, cậu biết Hoàng Khải Cần không?” Nói đoạn anh ấy đổi một đĩa CD, sau khi đĩa Tình rực cháy đẩy ra, anh ấy đưa cho tôi: “Tặng cậu, tôi có rất nhiều đĩa này, được người khác tặng theo bộ.” Tôi vui vẻ nhận lấy, đây là đĩa CD đầu tiên trong đời tôi, trước kia tôi không thích nghe nhạc. Tôi ngắm nghía cái đĩa CD này, mặt chính vẽ một người đàn ông trong sương mù màu tím trông rất mộng ảo, ca sĩ tên là Hoàng Khải Cần.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với bài hát của ca sĩ này, bình thường tôi chỉ biết rõ mấy ca sĩ phổ biến như Vương Phi, nhưng tôi thực sự muốn đến nghe buổi hòa nhạc của Vương Phi một lần.
Mặc dù tôi không thích nghe nhạc, nhưng cô ấy xinh đẹp còn tôi thích phụ nữ xinh đẹp đứng trên sân khấu tỏa sáng. “Anh có biết Vương Phi không?” “Sao lại không biết.” Hà Hữu Dân cười xùy một tiếng, “Tôi cũng chưa già đến mức không nghe nhạc thịnh hành.” Ngẫm lại cũng đúng, thoạt nhìn anh ấy không hề già. “Vậy rốt cuộc anh mấy tuổi?” Hà Hữu Dân suy nghĩ một lát: “Tôi sinh năm bảy hai, cậu tính xem.” Tôi học toán không giỏi nên không tính ra, nhưng tôi cũng không để bụng, ngồi trong xe anh ấy nghe đĩa mới. Chúng tôi lái đến vùng ngoại ô, xung quanh là đồng ruộng làm tôi nhớ đến bà ngoại tôi, bà tôi cũng làm ruộng ở quê nhà Hồ Nam. “Đến rồi, xuống xe đi!” Anh ấy dẫn tôi đến một ngọn đồi trống trải. Khi chúng tôi leo lên trời đã hửng sáng, nơi xa hiện ra màu trắng bạc.
Nhìn xuống từ ngọn đồi là một mảng đồng ruộng bát ngát, bây giờ là mùa đông trong ruộng chỉ có mạ xanh mơn mởn rất ngắn và rất phẳng.
Phong cảnh thế này rất yên tĩnh, yên tĩnh đến mức không phù hợp với cách giao tiếp từ trước đến nay của tôi và anh ấy. Tôi ngồi trên ghế đá lạnh như băng, Hà Hữu Dân dựa vào lan can đá của ngọn đồi đứng trước mặt tôi. Phát hiện tâm trạng của anh ấy không tốt, tôi hỏi: “Dạo này sao anh không nghe điện thoại của tôi?” “Tôi bận, Hào Kim xảy ra chút chuyện, ông chủ của họ tìm tôi giúp đỡ.” Anh ấy bình thản nói. “Chuyện gì vậy?”
Hà Hữu Dân giải thích với tôi: “Liên quan đến chất cấm, bị báo cáo.” “Tôi biết chất cấm, đó là thứ đáng sợ, nghe nói hít vào sẽ chết người.” Tôi há miệng run rẩy nói, quả thực khá là lạnh.
Mặc dù thành phố nơi tôi sống không có tuyết vào mùa đông, nhưng ẩm ướt và cái lạnh không phải thứ người bình thường chịu được, mặc vào trăm bộ quần áo cũng có thể run rẩy vì lạnh cóng.
Giống như công chúa hạt đậu qua một trăm lớp chăn cũng có thể cảm nhận được hạt đậu Hà Lan. Hà Hữu Dân nói rất nghiêm túc: “Đúng, cậu đừng đụng vào, tuyệt đối đừng đụng vào.” “Vậy anh còn giúp ông ta!” “Khác nhau mà, cậu không hiểu đâu nhãi con.” Anh ấy lại cười lên, tôi thích nhìn anh cười, dịu dàng hơn dáng vẻ nghiêm túc của anh ấy nhiều.
Thật ra tôi biết dưới đôi mắt lạnh như băng của Hà Hữu Dân nhất định là một trái tim rất dịu dàng. Chúng tôi im lặng một hồi, anh ấy nhìn phong cảnh còn tôi nhìn anh.
Tôi không biết anh ấy dẫn mình tới đây làm gì, vừa tối vừa lạnh xung quanh cũng toàn là cỏ, với tôi phong cảnh duy nhất chính là Hà Hữu Dân. Nhưng tôi biết mình không có được anh. Không có được cũng chẳng sao, duy trì mối quan hệ này cũng rất tốt.
Con người ấy mà, biết đủ thì luôn vui vẻ, vậy là được. “A…….!” Tôi chạy đến bên cạnh anh ấy hét to một tiếng về phía bầu trời, sau đó chân trời vọng lại tiếng vang của tôi. Hà Hữu Dân kinh ngạc nhìn tôi: “Não cậu bị úng nước à?” “Não anh bị úng nước ấy!” Tôi cợt nhả nửa đùa nửa thật, “Chúng ta về thôi, tôi chết cóng rồi, ở đây có gì đẹp.” “Nhãi con, cậu hiểu gì chứ, mộ của bà ngoại tôi nằm ở đó.” Giọng điệu dửng dưng của anh ấy khiến tôi hoài nghi Hà Hữu Dân đang lừa tôi, anh ấy chỉ một vị trí dưới núi, tôi không biết anh ấy chỉ nơi nào. Tôi ngẩn người, không lên tiếng. Sau này anh ấy nói với tôi rằng anh được bà ngoại của mình nuôi lớn, tôi nói tôi cũng vậy.
Hồi bé đi sớm về tối, chăn trâu trồng trọt, cho lợn ăn với bà ngoại, cho nên tôi biết cái chết của bà ngoại có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Hữu Dân. Ngày đó tôi ôm anh ấy, chúng tôi hôn nhau trên sườn núi, hát bài “Chủ nghĩa xã hội là tốt”[1], đây là bài hát duy nhất cả tôi và anh ấy biết hát..
Bạn đang đọc truyện trên truyen35.shop , Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!