Chuyện Tháng Tư

Chương 14: “Vẫn còn rất nhiều người chẳng chịu buông tha tôi, anh có muốn xếp hàng trước không?”


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước sau →

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Biên dịch: 1309

Bước xuống boong thuyền, không khí bắt đầu ngột ngạt tù túng. Ở đấy có 5-6 buồng dành cho thuyền viên nghỉ ngơi, rất chật chội, thiết kế giống loại buồng nhỏ nối tiếp, có cửa kéo trên xe lửa kiểu cũ.

Thuyền viên chia riêng một buồng cho bọn anh. Mở cửa vào trong, xếp dọc hai bên là hai chiếc giường tầng một lớp ván, lối đi chính giữa hẹp tới mức muốn xoay người cũng khó.

Bỏ hành lý lên tầng trên, Vệ Lai và Sầm Kim mỗi người ngồi một bên tầng giường đối diện bên dưới. Nhất thời không biết nói gì, đôi chút thân quen vừa hình thành sau biến cố đột xuất đêm qua, tựa hồ đã tan sạch khi mặt trời của buổi bình minh ló dạng.

Có lẽ do đang bị thương, thể xác và tinh thần kiệt quệ, Sầm Kim kéo mũ lên, lần này chẳng buồn báo lấy một tiếng, vừa ngả lưng là ngủ mất. 

Vệ Lai xếp chăn gối bên giường mình thành một chồng tựa lưng, buồn chán dựa vào. Anh hi vọng mình sẽ không ngủ gật, từ khi lên thuyền vượt biên, mãi tới bây giờ vẫn chưa từng chợp mắt trên thuyền lần nào — Anh tin chắc nếu ngủ thiếp đi, nhất định sẽ gặp phải mấy giấc mộng chẳng hề vui vẻ. 

Cũng không biết đã qua bao lâu, mí mắt dần dần trĩu nặng. Sợ điều gì sẽ gặp điều đó, anh lại trở về khoang thuyền tăm tối trên chiếc thuyền vượt biên năm nào. 

Không khí vẩn đục, mùi cơ thể, các thứ bài tiết, mùi chua loen loét của bãi nôn và mùi ôi thiu mốc meo trộn lẫn trong gian buồng kín bưng, chầm chậm lên men. Bên cửa khoang, nơi góc khuất, người nằm ngổn ngang, bẩn thỉu, thoi thóp; bóng tối bủa vây, chẳng nhận rõ đàn ông đàn bà, đứng trước tai ương, không còn phân chia ra giới tính. 

Anh trông thấy bản thân khi còn bé đấy, chống cánh tay gầy trơ như que củi, nhỏm dậy hỏi cha đang nằm cạnh bên: “Sao phải bỏ nhà đi?” 

Trước đó chẳng có một dấu hiệu nào, anh bị cha lôi thẳng từ trường tiểu học lên thuyền, trong cặp vẫn còn vở bài tập, sách ngữ văn, sách toán, tư tưởng đạo đức. 

Cha không đáp, cũng chưa từng đáp lời. 

Tới tận nay anh vẫn chưa hiểu được — Rất nhiều người rời bỏ quê hương, cứ như thể chắc chắn sẽ tìm được cuộc đời mới và phương hướng rõ ràng ở nơi viễn xứ… Kỳ thực, chỉ là đổi qua một nơi khác tiếp tục mê man. 

Thân thuyền lắc lư chao đảo, hành trình dài đằng đẵng ấy tựa hồ vĩnh viễn không đến tận cùng. 

Vệ Lai mở choàng mắt, nhất thời hơi hoảng hốt, bên tai có tiếng lào xào khe khẽ. Vừa chống tay tính ngồi dậy, chợt nghe Sầm Kim nói: “Đừng nhúc nhích.” 

Chẳng biết cô thức dậy khi nào, đang ngồi xếp bằng trên giường đối diện, cúi đầu vẽ tranh. 

Lấy anh làm người mẫu? 

Vệ Lai nghĩ phối hợp chút cũng được. Nhờ có chuyện xảy ra tối qua, trong lòng anh đã nảy sinh kha khá thiện cảm với cô. Anh giữ nguyên tư thế lúc vừa tỉnh, đồng thời phát hiện tướng ngủ của mình hơi bất lịch sự: Một cánh tay gối sau ót, đầu lệch qua, một chân thả chống sàn, chân còn lại thò ra ngoài giường. 

Anh cố tự an ủi: Có lẽ thế này nom dáng người rất đẹp, thân rất cao. 

Trước giờ chưa từng làm người mẫu tranh, chẳng lẽ phải liên tục giữ nguyên tư thế này? Mất bao lâu? Ít nhất chắc cũng tầm nửa tiếng… Hay là tìm chuyện tán gẫu nhỉ? Cứ im lìm vầy thì quá là bí bách. 

Trên trán, lòng bàn chân, sau tai, bên hông, chẳng hiểu sao bắt đầu ngứa ngáy. 

Được cái là ở góc độ này cũng tiện quan sát Sầm Kim. Cô không lộ vẻ gì, đuôi bút chì nhô cao hơn mép giấy, soàn soạt chuyển động, trên cổ lóe ra tia sáng nhạt. 

Cô vẫn đeo đúng một sợi dây chuyền. 

Dây chuyền này chắc phải mang ý nghĩa đặc biệt, là ai tặng cô? Khương Mân chăng? 

Vệ Lai chau mày: Cô chẳng có chút cảm tình nào đến dự tọa đàm của Khương Mân, đốt thủng áo anh ta, còn nói đấy là “chấm dứt”. 

Anh không dằn lòng được: “Có thể hỏi cô một vấn đề riêng tư chứ?” 

“Hỏi đi.” 

“Cô và Khương Mân, là kiểu tình cảm gì?” 

Chiếc bút đang chuyển động khẽ ngừng, rất khó phát hiện, rồi hết thảy trở lại như cũ: “Tình cảm nam nữ thông thường.” 

“Thông thường… là thế nào?” 

“Không tai không họa thì chung sống thuận hòa, tai vạ đến thì đường ai nấy tự cao chạy xa bay.” 

À. 

Trong đầu Vệ Lai hiện lên một khu rừng bạt ngàn, vô số chim chóc vỗ cánh phành phạch, bay tứ tán đất bắc trời nam. 

Rất hợp lý, nam nữ thời đại này thường dễ xao động, chưa gặp cảnh đại nạn đến nơi thì đều giấu kín xuống đáy lòng tâm tưởng tự mình thoát thân. 

“Anh ta làm gì có lỗi với cô sao?” 

Bằng không thì chính cô phản bội trước, lấy đâu ra tư cách đốt áo người ta? 

“Cũng chẳng có gì… Anh ta lắm miệng, nói mấy lời tôi không thích nghe.” 

Vệ Lai rất lấy làm tiếc. Sau khi chia tay còn liên tục bép xép thì chẳng phạm pháp, nhưng kiểu thế cũng hơi thiếu đạo đức: “Anh ta rêu rao khắp nơi là cô… phản bội mình?” 

“Cũng không hẳn. Trong hôn lễ, anh ta nói, đã trải qua kiếp nạn trước khi tái sinh, cám ơn thượng đế không để anh ta vì chọn lầm người mà phí hoài tính mạng.” 

Cô trừng mắt, ánh mắt từ góc giấy nhọn hoắt bắn qua, gằn từng chữ: “Anh ta nói tôi là ‘kiếp nạn’.” 

Thì cô đúng là kiếp nạn của anh ta mà. 

Người ta là dân trí thức, trắc trở lớn nhất trong đời có lẽ là mất học bổng toàn phần, vì bị cô phản bội mà nốc thuốc tự tử, xém chút mất mạng, chẳng thể bảo vệ địa cầu… à nhầm, bảo vệ nhân loại. 

Cô còn không cho người ta nói cô là kiếp nạn của mình? 

Vệ Lai nhịn xuống, không biện minh cho Khương Mân. Quá hiển nhiên, Sầm Kim có thể tốt bụng cứu giúp người xa lạ trên tàu phi pháp, nhưng cũng có thể lòng dạ hẹp hòi — Anh sợ một ngày nào đó áo quần mình cũng bị cô châm thủng lỗ chỗ. 

Cánh tay gác sau ót bắt đầu tê dại, Vệ Lai hơi mất kiên nhẫn: “Sắp xong chưa?” 

Cô kết thúc, ký ngày tháng: “Vẽ chơi thôi, không tính giữ lại. Anh muốn xem chứ?” 

Giấy vẽ được đưa qua, ngay lúc ánh mắt Vệ Lai rơi vào mặt giấy, cả người anh bật vút dậy. 

Tranh chì, theo lối phác họa, cả bầy heo con ngây ngô ngốc nghếch, một con dẫn đầu, đám còn lại lon ton theo đuôi. 

Vệ Lai siết chặt mép giấy, đây mà là lon bia nhôm thì đã bị bóp vẹo rồi. 

Đậu đen, chẳng phải vẽ tôi à? 

Anh cố dằn xuống không hỏi, vì đại khái đoán được câu trả lời của cô: Tôi chỉ bảo anh ở yên thôi, đâu nói vẽ anh đâu. 

Thế là anh cắn răng, kiềm chế mà thân thiện, nở một nụ cười: “Sao lại muốn vẽ tranh này?” 

“Mới nãy đi qua kho đông lạnh, thấy trên cửa có đánh dấu thịt heo nên nổi hứng vẽ thôi.” 

Vệ Lai trả giấy vẽ lại: “Thực ra thỉnh thoảng tôi cũng quẹt vài đường, nhưng không phải kiểu phác họa như này.” 

Sầm Kim nhận lấy, làm biếng đứng dậy, chỉ duỗi tay thả giấy bút về chỗ trống trên giường, giọng điệu rành rành là qua loa chiếu lệ: “Vậy có rảnh thì cùng thảo luận.” 



Thử xem giờ, hành trình mới qua được một nửa. 

Còn mỗi cách là ráng giết thời gian: Dùng bữa của thủy thủ đoàn, pha cà phê hòa tan, đi toilet, đọc báo cũ, tiếp tục ngủ. 

Mãi mới chờ được đến khi thuyền viên gõ cửa báo: Vào cảng rồi. 

Bạn đang đọc bộ truyện Chuyện Tháng Tư tại truyen35.shop

Chốc nữa lên trên phải hít thở không khí của Stockholm bù lại. Sầm Kim có loại cảm giác như trút được gánh nặng khi vượt qua hết hành trình. Cô đứng dậy sắp xếp túi xách, cuộn lại xấp giấy đã lấy ra. 

Cuộn được quá nửa, chợt nhận thấy có chỗ là lạ, lại từ từ mở ra. 

Bức tranh cô vẽ, đã bị thêm vào vài nét. 

— “Thực ra thỉnh thoảng tôi cũng quẹt vài đường, nhưng không phải kiểu phác họa như này.”

Rất thành thật, phong cách của anh là đôi nét đơn giản, nhưng có thể bắt được cái thần của một người, rõ ràng là anh đã vẽ cô. 

Cô cưỡi trên thân heo dẫn đầu. 

Hai bên mũi heo có dây cương vòng ra sau giống cương ngựa. 

Một tay siết chặt dây, tay còn lại giơ cao, tựa như đang vung vẩy hò hét. 

Theo sát phía sau là 3 em heo béo. 

Lúc này, một tay Vệ Lai đang cầm túi xách, vai bên kia đeo hai túi hành lý, bảo cô: “Đi thôi.” 

Thái độ đúng kiểu chẳng liên quan tới mình. 

Sầm Kim ngẩng đầu nhìn anh, hai tay không dừng động tác gập đôi bức tranh, móng tay ngón trỏ và ngón cái bấm lấy đầu nếp gấp, miết một đường đến hết. 

Lại gập đôi, lại miết, tiếng móng tay chà sát lên giấy vang dội giữa không gian nhỏ hẹp, ẩn chứa ý tứ chẳng lành. 

Vệ Lai nhìn chằm chằm vào móng tay cô, cứ cảm giác, chưa biết chừng cô sẽ nhào lên cào mặt mình. 

Rốt cuộc đã gấp xong, vuông vức, ngay ngắn, cô nhét vào túi áo khoác, nói: “Đi thôi.”

***

Ra boong thuyền, trước mắt rộng mở thông thoáng. 

Đang lúc chiều muộn, cùng là tháng tư, cùng ven biển Baltic, khí lạnh ở Helsinki chưa tan, nơi này lại quang đãng ngập nắng vàng, nhuộm long lanh từng cơn sóng vỗ  — Đây có thể xem là rất hiếm thấy, vì thông thường, Stockholm và Helsinki là cùng hội cùng thuyền, anh lạnh tôi rét, anh trút mưa tôi đổ tuyết, không ai khá hơn ai. 

Xuống thuyền, rời cảng, dạo ven bờ chốc lát, trông thấy chiếc tàu nhiều buồm tam giác thời Trung cổ có treo cờ các nước, thân tàu thuôn dài, đằng mũi vểnh cao như chiếc sừng thú [1]. 

Có hương cà phê và tiếng đàn violon bảng lảng thoáng qua, đó là quán cà phê mở trên con tàu nọ. 

Vệ Lai mời Sầm Kim: “Nghỉ ngơi, uống thứ gì nhé.” 

Đây không phải dụng ý thật của anh: Bên này thuyền vừa cập bến là phía điều hành lập tức nhận được tin, Tapien sẽ thông báo cho Nai biết “vé tàu” đã hoàn thành sứ mệnh — Nếu bên Saudi có tiến triển gì mới thì Nai cũng sắp gọi điện cho anh rồi. 

Sầm Kim không phản đối. Vệ Lai nghĩ, ngoại trừ ngẫu nhiên cô thích làm theo ý mình, phần lớn thời gian đều chẳng đáng lo, thường xuyên là hoặc ngủ yên, hoặc cắm đầu đi theo anh. 

Hai người ngồi vào mé ngoài gần mui tàu. Cạnh đấy là anh chàng tóc vàng bảnh trai đang kéo đàn Nyckelharpa [2] hình thù kỳ quái giống chiếc hài gỗ, đổi lại thanh âm lại trầm bổng du dương, hòa cùng tiếng gió thổi lay lá cờ các nước trên cao. 

Lúc cà phê, salad và sandwich được đưa lên, cuộc điện thoại của Nai reo vang đúng như dự liệu. 

“Vệ này, phía Cá Mập Hổ mới nhắn lại rồi.” 

Vệ Lai giữ nguyên vẻ mặt, xiên một miếng khoai tây bi trong salad đưa vào miệng: “Nói thế nào?” 

“Chúng chỉ cung cấp phương hướng chung chung, sẽ dẫn cậu đi từng bước một, địa điểm cụ thể thì vẫn chưa báo rõ — Chỉ bảo sẽ gặp tại Hồng Hải, ở vùng biển quốc tế.” 

Vệ Lai chau mày, anh không rành địa lý lắm: “Hồng Hải, là vùng biển rất dài nhỉ?” 

Hình như dọc theo nó có khá nhiều quốc gia. 

“Chính nó đấy. Bọn tôi đã thảo luận rồi, cậu đưa cô Sầm ra sân bay trước nhé, xong tới khu vực công cộng chờ ở cổng bay số 5, sẽ có người qua đưa vé, đêm nay bay luôn.” 

Thật đúng là không dừng không nghỉ, Vệ Lai cười khổ xoa mặt. 

“Bay đi đâu?” 

“Thủ đô Khartoum của Sudan. Hành trình rất dài, vì chưa có điều kiện bay thẳng một mạch nên cần quá cảnh.” 

Vệ Lai cạn lời, sau mới hộc ra từng chữ: “Đậu phộng chứ giỡn mặt hả? Tưởng tôi không biết Sudan đang chiến tranh à?” 

Sầm Kim nghe được. 

Cô nhỏ giọng cải chính Vệ Lai: “Nói chính xác, là xung đột vũ trang cục bộ.” 

Hiển nhiên là Nai đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. 

“Vệ à, cậu nghe tôi nói hết đã. Thứ nhất, một quốc gia rất lớn, hoàn toàn có thể chia ra phương nam chiến tranh, phương bắc ca hát. Trước kia Sudan có 22 năm nội chiến, nhưng bây giờ cơ bản đã kết thúc rồi. Khartoum là thủ đô, vẫn còn an toàn. 

“Tiếp theo, cậu xem bản đồ đi, Sudan có một mặt lãnh thổ tiếp giáp Hồng Hải, lại còn ở đoạn giữa Hồng Hải, lên bắc xuống nam đều được — Từ đây đến vùng biển quốc tế sẽ rất thuận tiện. 

“Thứ ba, điểm thứ ba là then chốt nhất nhé, Cây Cacao đang bảo vệ một chính khách quan trọng gần đó. Cậu ấy sẽ đến đón máy bay và sắp xếp tất cả mọi thứ cho cậu, là Cây Cacao đấy!” 

Vệ Lai tạm dừng giây lát, khẽ lặp lại: “Cây Cacao à?” 

Cái tên không ưa người có nốt ruồi trong khoảng từ mép tóc đến trước rốn, chuyên diện hàng hiệu sang chảnh, thắt bím đầy đầu… Khá lâu rồi anh chưa gặp Cây Cacao. 

Nai nghe ra giọng anh đã thoải mái hơn: “Đúng đấy, lần trước tôi nói rồi mà, qua đó là thể nào cũng thấy Cây Cacao…” 

Vệ Lai bật cười, anh gọi người phục vụ cho thêm cốc bia đen. 

Đầu bên kia Nai nói gì đó, anh nghe chưa rõ: “Hả?” 

“Vệ! Tôi vừa hỏi, cậu với cô Sầm ‘âm u thở khí’ đấy ở chung thế nào rồi?” 

Lời tác giả: 

Trước kia viết chương này, lựa chọn Sudan hoàn toàn là bởi vì vị trí địa lý. 

Sudan từng được đánh giá là quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, năm 2005 mới cơ bản kết thúc cuộc nội chiến kéo dài tới 22 năm, nhưng thế cục vẫn liên tục bất ổn, những người hoạt động nhân đạo ở đây thường xuyên gặp nạn. Năm 2011, khu vực phía nam Sudan tuyên bố độc lập, đây chính là Nam Sudan. Nhưng đến năm 2012, Sudan và Nam Sudan lại bắt đầu khai chiến vì tranh đoạt dầu mỏ… 

Tôi còn tưởng rằng, đến năm 2016 tình hình đã khá hơn nhiều…

~♥~♥~♥~

Ghi chú:

[1] Tàu nhiều buồm tam giác (Lateen Rigged Caravel, Caravela Latina): Một loại tàu thám hiểm được dùng từ giữa thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17 của Bồ Đào Nha, có 2 hay 3 buồm tam giác, dài khoảng 20-30 mét, rộng khoảng 7 mét, có thể lướt nhanh, chạy ngược gió trong vùng biển châu Phi.

14tjpg


[2] Đàn Nyckelharpa: Nhạc cụ truyền thống của Thuỵ Điển, thường có 16 dây và 37 khoá gỗ đặt dưới các dây.

14djpg


☆ Sơ đồi tuyến đường của các nhân vật tính tới thời điểm hiện tại ☆



Bạn đang đọc truyện trên truyen35.shop , Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

Bạn có thể tìm kiếm truyện với các từ khóa sau: Chuyện Tháng Tư, truyện Chuyện Tháng Tư , đọc truyện Chuyện Tháng Tư full , Chuyện Tháng Tư full , Chuyện Tháng Tư chương mới


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Back To Top