Lý Kinh Trọc tức đến nghẹn họng, rõ ràng Liễu Tức Phong đang cố ý trêu cợt anh.
"Vì sao cậu không hỏi tôi lý do không thể cưới bốn cô vợ bé" và "Vì sao đàn ông không thể cưới bốn cô vợ" là cùng một chuyện sao? Đương nhiên không phải!
Nếu Lý Kinh Trọc là trai thẳng thì sự tình đã rẽ theo hướng khác, người thường gặp loại chuyện này cùng lắm chỉ đá đối phương một cái, ném thêm một câu "Cút m* anh đi" là coi như thanh toán xong xuôi.
Nhưng anh lại không phải.
Đối phương còn đỏ mặt.
Liễu Tức Phong, anh đỏ mặt làm gì?
Lý Kinh Trọc không dám nhìn gương mặt kia thêm lần nữa, chỉ tay lung tung vào một cửa hàng: "Đi qua bên đó đi."
Liễu Tức Phong nhìn theo hướng chỉ, là một quán mì: "Không phải nói đi uống trà sao?"
Lý Kinh Trọc nói: "Ăn tô mì đã."
Liễu Tức Phong rất biết nghe lời phải: "Được, ăn mì trước.
Đúng lúc, quán này không tệ đâu, tôi hay tới ăn lắm."
Tấm bảng hiệu "Mì Tiểu Kiều" ngoài cửa sơn đỏ chữ trắng, trong quán không có điều hòa chỉ có quạt điện, bên ngoài kê năm sáu chiếc bàn gỗ vuông nhỏ không sơn màu, mỗi bàn đặt thêm bốn cái ghế dài gỗ thô, trên đầu căng một tấm bạt nhựa lớn có nắng che nắng có mưa che mưa, rất tiện cho khách vừa ăn vừa ngắm phố.
Ông chủ tiệm đang cầm một cái muôi lớn vớt mì trong nồi, thấy Liễu Tức Phong lập tức chào đón: "Đưa bạn tới rồi à? Tìm chỗ ngồi đi, ăn như cũ đúng không?" Lại nhìn Lý Kinh Trọc, "Bạn anh ăn gì?"
Ở Trấn Thái Bình này ai cũng nói tiếng địa phương, yêu đương kết giao không gọi là người yêu, mà gọi là "bạn".
Bạn bè bình thường gọi là bạn, mà nam nữ yêu nhau cũng giới thiệu là bạn.
Từ "bạn" này được dùng rất nhiều, rất mập mờ.
Trong lòng Lý Kinh Trọc đang suy nghĩ phức tạp, có lẽ anh không tự biết, hoặc có lẽ không chịu thừa nhận, tóm lại nghe thấy người ta nói một chữ "bạn" bỗng dưng cảm thấy cực kỳ không được tự nhiên.
Liễu Tức Phong ngồi xuống một cái bàn nhỏ, đáp lại: "Vẫn như cũ."
Lý Kinh Trọc nhìn thực đơn viết trên tường không nói tiếng nào, ông chủ lại hỏi: "Anh bạn này ăn gì? Mì tròn hay mì dẹt?"
"Cậu ấy cũng ăn mì dẹt bò cay." Liễu Tức Phong nâng cằm chỉ vào Lý Kinh Trọc, trả lời ông chủ tiệm.
Ông chủ hô một tiếng "Được" lập tức vớt mì đã chín ra, xếp thịt bò cay rắc gia vị, hai bát mì dẹt bò cay nhanh chóng được đặt lên bàn.
Liễu Tức Phong rút đôi đũa đưa cho Lý Kinh Trọc, mình lại không vội ăn, chỉ mải mê thuyết trình: "Thịt bò hấp chín cắt thành lát, để ráo nước rồi xào lửa lớn với dầu sa tế cay và hương liệu cho dai.
Cắn một miếng, nước cay từ miếng thịt trào ra, ăn kèm với sợi mì cực mỏng.
Thịt thơm, mì thơm, một thứ dai một thứ mềm, lại thêm nước dùng xương hầm cả một ngày với dầu ớt và hành thái nhỏ, dư vị đúng là bất tận."
Lý Kinh Trọc gắp một miếng thịt bò, lại gắp một gắp mì.
Lúc anh ngẩng đầu lên đã đụng phải ánh mắt vừa chờ mong vừa căng thẳng của Liễu Tức Phong, còn có một tia chuẩn bị tinh thần được khen che giấu chút kiêu ngạo, cứ như bát mì này do chính tay hắn tự làm: "Thế nào?"
Lý Kinh Trọc chưa kịp đáp, ông chủ tiệm đã đi ra ngồi xuống cùng bàn với bọn họ.
Bây giờ đã qua thời điểm dùng bữa sáng, giờ cơm trưa lại chưa tới, trên đường chỉ còn hai người Liễu Lý ăn mì, ông chủ đương lúc thoải mái nên chạy tới buôn chuyện cùng.
Người này là một vị tuổi trung niên cường tráng rắn rỏi nhưng đã hói đầu, người ở Trấn Thái Bình gọi ông ta là Chu Lang.
Hình như Chu Lang vẫn thường cùng Liễu Tức Phong nói chuyện phiếm, thái độ rất quen thuộc, ông ta lớn tuổi hơn Liễu Tức Phong nhiều nhưng lại gọi hắn một tiếng "anh Phong".
Lý Kinh Trọc nghe xong bật cười, cũng bắt chước theo Chu Lang gọi: "Anh —— Phong ——"
Chu Lang nói: "Anh Phong thích nhất là món bò cay ở quán này, mỗi lần tới ăn mì đều phải lấy thêm nửa cân thịt bò." Lại nói tiếp, "Miệng anh Phong xịn lắm, biết ăn, còn biết nói.
Tôi nấu được mì thịt bò, biết phục vụ, nhưng không thể miêu tả món ăn hay như anh ấy." Xong còn hỏi, "Anh bạn nhỏ của anh Phong này xưng hô thế nào?"
Lý Kinh Trọc ăn mì cay xé lưỡi, vừa hít hà vừa nói tên họ.
Liễu Tức Phong cầm cái ấm sứ béo tròn trên bàn rót một chén nước: "Uống nước đi."
Lý Kinh Trọc uống vào, là nước nóng, có lẽ vừa đun xong không bao lâu, uống vội một miếng suýt thì phỏng miệng, phối hợp với vị cay sẵn quả thực như sắp phun ra lửa.
Anh nhìn sang Liễu Tức Phong, miệng nhai thịt bò cay vẫn có thể nhàn nhã nhấp từng ngụm nước nóng, trên trán không rịn một giọt mồ hôi, thật sự không thể hiểu làm sao được như vậy.
Lý Kinh Trọc hỏi Chu Lang: "Anh có nước đá không?"
Liễu Tức Phong nói: "Ăn cay đừng uống nước lạnh, uống vào bụng nóng lạnh lẫn lộn khó chịu lắm.
Cậu học y mà sao không biết tự chăm sóc bản thân gì cả thế?"
Chu Lang gật đầu tán thành, đã tìm được xưng hô mới: "Hóa ra là bác sĩ Tiểu Lý, tôi phục nhất là bác sĩ đấy."
Lý Kinh Trọc đã thi đậu giấy phép hành nghề y, đúng là có thể xem như bác sĩ.
Nhưng ở bệnh viện trực thuộc trường anh, nếu muốn có suất ở lại thì yêu cầu cơ bản nhất là phải có bằng tiến sĩ cộng thêm ít nhất hai năm tu nghiệp nước ngoài, cho nên Lý Kinh Trọc luôn không dám tự giới thiệu với người ngoài mình là bác sĩ: "Chỉ là sinh viên học y thôi ạ."
Chu Lang gật gù: "Bác sĩ tương lai thì vẫn là bác sĩ." Lại nói, "Bạn bè của anh Phong nhiều, mỗi lần lại đưa tới một người khác nhau nhưng bác sĩ thì vẫn là lần đầu tiên, đúng là nhân tài hiếm thấy."
Lý Kinh Trọc muốn nghe tiếp là bạn bè kiểu gì, Liễu Tức Phong đã nhanh chóng chuyển đề tài: "Hôm nay Tiểu Kiều có ở đây không?"
Chu Lang thở dài, thò tay vào túi lấy một hộp thuốc lá Bạch Sa*, châm thuốc hút một hơi: "Tiểu Kiều về nhà mẹ rồi, lần trước cãi nhau bà ấy còn giận tôi." Lại rút một điếu chìa ra cho Lý Kinh Trọc, "Bác sĩ Tiểu Lý hút thuốc không? Anh Phong không hút."
Thuốc lá Bạch Sa 白沙烟
Lý Kinh Trọc lắc đầu: "Cảm ơn, tôi cũng không hút." Anh nhìn thấy trên hộp thuốc in hai con hạc tiên, nhớ đến ngày nhỏ thấy cha mình hay hút loại thuốc này, liền lấy lại nhìn kỹ hơn.
Chu Lang nói: "Bác sĩ Tiểu Lý cũng thích tiên hạc à.
Anh Phong đã kể cho cậu nghe truyền thuyết tiên hạc chưa? Là chuyện về một thiếu nữ tên Bạch Sa do tiên hạc hóa thành, sau này chế phục ác long ý."
Lý Kinh Trọc chớp mắt, liếc nhìn Liễu Tức Phong một cái: "Chu Lang, thế anh Phong đã từng kể cho anh nghe truyền thuyết về người bước ra từ trong tranh chưa?"
Mưa rơi ngoài lều bạt càng lúc càng lớn, một tiếng sấm rền, đất trời biến sắc.
Liễu Tức Phong ngồi ngay ngắn, chỉ thản nhiên uống nước.
Chu Lang nói: "Cái này không cần anh Phong kể tôi cũng biết.
Tích Diệp Công hiếu long* chứ gì.
Diệp Công cực kỳ yêu rồng cho nên vẽ rất nhiều hình rồng, mỗi ngày không ngừng ngắm nghía."
*Tích Diệp Công hiếu long: Xưa có một người tên Diệp Công rất thích rồng, đồ vật trong nhà đều khắc, vẽ hình rồng.
Rồng thật biết được đến nhà thò đầu vào cửa sổ nhìn xem.
Diệp Công nhìn thấy sợ hãi vắt giò lên cổ bỏ chạy.
Tích truyện này dùng để chê cười những người luôn miệng nói yêu thích trên danh nghĩa nhưng thực tế lại không như vậy.
Lúc ông ta nói đến đoạn "cực kỳ yêu rồng cho nên vẽ rất nhiều hình rồng", Liễu Tức Phong lại liếc Lý Kinh Trọc một cái, sóng mắt lưu chuyển.
"Nhưng vào lúc rồng thật sự hạ phàm, thổi gió phun mây giống như hiện tại, Diệp Công lại sợ hãi bỏ chạy không dám nhìn thẳng." Chu Lang hỏi, "Bác sĩ Tiểu Lý, có phải chuyện này không?"
"Không phải." Lý Kinh Trọc cúi đầu uống nước, "Truyền thuyết của anh Phong kể anh ta là từ trong tranh bước ra ngoài."
Chu Lang tò mò: "Ai lại yêu cậu ta như vậy, còn vẽ cả tranh?"
Lý Kinh Trọc bị sặc nước, ho sù sụ không ngừng.
Cái trấn này bị ma nhập rồi, ai cũng xoay quanh mỗi Liễu Tức Phong.
Lý Kinh Trọc thanh toán tiền mì cho hai người rồi đi, Liễu Tức Phong buông chén xuống, vào chỗ Chu Lang mua thêm một cân thịt bò cay gói về nhà xong mới nhấc dù giấy dựng dưới chân bàn lên.
Một vị khách mới bước vào quán, Chu Lang vừa thả mì vừa giả vờ giận dỗi: "Hôm nay sao lại mua nhiều thế nhỉ? Thịt bò cay bị anh Phong mua đi hết rồi, người khác ăn cái gì đây?"
Liễu Tức Phong bung dù lên che cho Lý Kinh Trọc không bị ướt: "Chúng tôi có hai người lận."
Khách mới cũng giận lây: "Làm gì có chuyện mua theo đầu người?"
Chu Lang nghe thấy, chống chế hộ Liễu Tức Phong: "Thôi không hề gì, tôi làm nhiều thêm chút nữa là được.
Anh Phong là người am hiểu thịt bò nhà tôi nhất đấy."
Liễu Tức Phong cười nói: "Còn Chu Lang là người hiểu dạ dày tôi nhất."
Hắn cùng Lý Kinh Trọc đi được vài bước, lấy làm tiếc: "Hôm nay không nghe được chuyện nhà Chu Lang rồi, yêu hận tình thù của Tiểu Kiều và Chu Lang đáng để ngồi lâu thêm mấy tiếng đồng hồ."
Lý Kinh Trọc đánh giá: "Hình như anh rất thích nghe người khác kể chuyện."
Trên đường đi Liễu Tức Phong hỏi anh chuyện hồi nhỏ, hỏi chuyện ở trường y, tới quán mì Liễu Tức Phong lại chủ động hỏi Tiểu Kiều.
Liễu Tức Phong thích nghe chuyện của người khác, chỉ một phút bất cẩn người ta sẽ đem toàn bộ chuyện riêng phơi bày ra cho hắn xem; mà hắn trước mặt mọi người, bề ngoài xem như trò chuyện rất vui vẻ, kỳ thật không hề để lộ một câu hắn là loại người nào, quá khứ từng trải qua chuyện gì.
Ngoại trừ cái "truyền thuyết hạ phàm" và cuốn sách《 Cấm nói ra 》kia, Lý Kinh Trọc hoàn toàn không biết chút gì về Liễu Tức Phong.
Mưa hơi ngớt lại.
Liễu Tức Phong hạ dù, nói: "Chuyện xưa rất thú vị, con người càng thú vị hơn.
Phía trước có một quán trà tôi từng vào rồi, được lắm.
Muốn đi qua ngồi không?"
Lý Kinh Trọc đáp: "Tôi biết một nơi hay hơn.
Nói để tôi mời, đương nhiên phải là chỗ do tôi chọn."
Đi thêm mấy trăm mét dần dần ra khỏi khu chợ, không còn nghe thấy tiếng ồn ào huyên náo nữa, từ đường bê tông lớn rẽ vào một con đường nhỏ lát đá phiến, trước mặt là một mảng rừng trúc xanh ánh vào mi mắt.
Trời vừa đổ mưa làm cành trúc tỏa hương thơm nhẹ, mây tan nắng hiện chiếu lên lớp nước đọng trên tán lá trong suốt lấp lánh.
Liễu Tức Phong vừa đi theo Lý Kinh Trọc xuyên qua rừng trúc, vừa đọc lên: "Giang thôn nhập hạ đa lôi vũ, hiểu tác cuồng lâm vãn hựu tình."
(Xóm sông vào hạ nhiều giông tố, sớm vừa mưa to tối quang mây)
Lý Kinh Trọc chưa từng nghe qua câu này, Liễu Tức Phong giải thích: "《 Bạo vũ 》(mưa to) của Vi Trang*."
*Vi Trang - 韋莊 (836-910), tự Đoan Kỷ (端已); là nhà thơ, nhà từ nổi danh trong khoảng Đường mạt-Ngũ Đại ở Trung Quốc.
Đường đá quanh co, cuối rừng trúc có một con mương hẹp nước chảy trong vắt vờn quanh một tòa nhà hai tầng, lầu hai có hành lang gấp khúc, cửa sổ sát đất ở lầu một treo mành trúc sáng màu rũ xuống toàn bộ, trông rất mát mắt.
Liễu Tức Phong lại ngâm: "Trúc bách phong vũ quá, tiêu sơ đài điện lương.(Trúc tùng qua mưa gió, đài điện vắng lạnh theo)" Ngâm xong đoán là Lý Kinh Trọc vẫn không biết xuất xứ, "《 Hạ du Chiêu Ẩn tự bạo vũ vãn tình* 》của Lý Chính Phong."
(*Mùa hè đến chơi chùa Chiêu Ẩn gặp cơn mưa to rồi tạnh)
Lý Chính Phong - 李正封 tự Trung Hộ, danh nhân đỗ tiến sĩ dưới thời vua Đường Hiến Tông (khoảng năm 807)
Lý Kinh Trọc cảm thấy người này quá phiền, lúc nào cũng khoe khoang mình đọc nhiều biết rộng.
Anh cũng muốn ngâm một câu cho hợp thời, nhưng lại không nhớ ra nổi bài thơ phú nào tiệp với hoàn cảnh.
Nghĩ đến mùa hè trong đầu chỉ có duy nhất một câu "Tiểu hà tài lộ tiêm tiêm giác*" (Lá sen mới nhú như sừng nhọn) ①, còn quên mất là thơ của ai, đành phải giữ im lặng đi nhanh về hướng quán trà.
Quán này không có bảng hiệu, vừa rồi từ ngoài đường lớn đi vào cổng nhà cũng không có biển chỉ đường hay bảng thông báo, nếu không phải người sống ở đây lâu sẽ không rõ chỗ này là chỗ nào.
Quán trà do một người phụ nữ họ Tông mở, dì Tông là bạn học của cha Lý Kinh Trọc.
Trước kia mỗi dịp về quê ăn Tết anh luôn phải hộ tống cha mẹ đến nơi này ngồi chơi nửa ngày, có điều sau khi bắt đầu học y, tết nhất năm nào cũng phải ở lại bệnh viện trực ban, mấy năm rồi chưa từng quay lại.
Nhưng anh biết rõ khoảng tháng ba tháng tư hàng năm, nhà anh vẫn đều đặn nhận được trà mới do dì Tông gửi biếu.
Bạn đang đọc bộ truyện Nhặt Ánh Bình Minh tại truyen35.shop
Bạn đang đọc truyện trên truyen35.shop , Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!
Bạn có thể tìm kiếm truyện với các từ khóa sau: Nhặt Ánh Bình Minh, truyện Nhặt Ánh Bình Minh , đọc truyện Nhặt Ánh Bình Minh full , Nhặt Ánh Bình Minh full , Nhặt Ánh Bình Minh chương mới