Phu Chăn Ngựa

Chương 4: IV.


Màu nền
Font chữ
Cỡ chữ
22px
Chiều rộng khung
100%
Dãn dòng
180%
trước sau →

Từ dạo chủ tớ thân mật thân gan giữa đồi cỏ ấy, ông lớn dường như đã ngộ ra cái thú của bọn mục đồng chốn nhân giới hay sao ấy, thỉnh thoảng lại hứng chí dắt tôi ra đồi chăn thả, vào luôn cái vai phu chăn ngựa một cách trơn tru mượt mà.

Năm qua tháng lại, từ thỉnh thoảng biến thành thường xuyên lúc nào không hay.

Một ngày hai bận, chúng quỷ lại thấy cảnh tượng vị Diêm vương đáng kính của họ áo thâm chân đất, vai quàng chõng con, cổ đeo ống bút, tay dắt ngựa bạch lững thững đi bộ từ phủ ra đồi. Ai cũng biết ông lớn của họ vốn tính dung dị, rất quý rất ưa cái sự giản đơn của phàm nhân, nên cũng không lấy làm lạ khi đường đường một ông diêm chúa địa phủ lại tay quàng tay vác tự thân đi lại như bọn thư sinh chốn phàm trần. Ông vốn là như thế đấy, không cấp bách sẽ không dùng đến phép.

Lắm lúc tôi tò mò quá, đã nghểnh cổ hỏi ông cớ gì phải cực thân như thế, mình là quỷ thần thì cứ việc sống theo cái lối nhiệm mầu của quỷ thần, cần chi phải hạ mình học theo thói phàm cho nhọc?

Ông lớn chỉ cười nụ, xoay cán bút gõ nhẹ lên trán tôi mà rằng, đường nào quan trọng thì phải tự chân bước đi mới thấy hết cái hay cái quý trên đường, cứ hóa phép biến ngay đến nơi thì chẳng phải sẽ bỏ lỡ rất nhiều hay sao?

Tôi ngẩn ra. "Hóa ra chăn ngựa với ông có lắm thứ hay thứ quý đến thế ạ?"

Ông chững bút một lúc, đoạn ừ một tiếng rồi tiếp tục cúi đầu viết.

Ngay lúc ấy bỗng đâu có cơn gió nồm thổi đến làm tốc bay trang giấy trên văn kỷ, tôi hoảng quá, bỏ luôn mớ cỏ đang nhai mà tung vó chạy đi nhặt, lại vì sợ dùng mõm ngựa ngoạm lấy sẽ làm hỏng giấy bèn biến ra hình người để chộp bắt, vật vã vờn đuổi với nó như bướm vờn hoa một hồi mới tung tăng chạy về đưa lại cho ông lớn.

Ống tay áo đưa lên thấm mồ hôi trên trán cho tôi, ông khẽ hỏi.

"Thế nào, có phải là thỏa thích hơn động phép nhặt về không?"

"Vâng ạ!" tôi gật như giã tỏi, miệng toét cười tươi rói, ngồi sụp xuống cạnh chõng để ông lau mặt cho mình. "Giống ngựa bọn con thích nhất là được chạy nhảy mà ông!"

Ông lớn lại ừ, càng cúi người ghé sát đầu tôi, chăm chú tước liền mấy mấu cỏ khô vướng vào mái tóc.

Lòng dạ mềm oặt, tôi rướn cổ liếm nhẹ lên khóe môi ông.

Quả nhiên ông lại bất động buông xuôi như mọi lần, tôi thấy vui sướng vô cùng, bèn theo thói quen choàng tay qua cổ áp đầu cọ mũi liếm tiếp, thích nhất là khi chạm đến hai bờ môi nóng ấm, chúng lại run run nhè nhẹ như ngọn cỏ non gặp cơn gió ngàn, làm cho cả người tôi tê tê, khoan khoái đến lạ...

Tàn cuộc, tôi hơi dịch đầu ra nhìn chúa mình, giọng bỗng đâu yếu đi thấy rõ.

"Thật ra... tình thương mến thương với chủ thế này... mới là thích chí hơn cả đấy ông ạ."

Chúa tôi ngẩn ra một lúc, đoạn hơi cong môi. "Thật sao?"

"Thật ạ," tôi bất giác cười theo. "Vì mỗi lần tàn cuộc, ông đều nhìn con rất hiền, con thích ông nhìn con ấm áp thế này lắm..."

Nói rồi tôi đưa tay ra áp lên gò má nóng hổi của mình xoa xoa nhè nhẹ. "Cũng chẳng hiểu sao lại thích đến nỗi mặt nóng, tim run, chân tay bủn rủn thế này ông ạ, quái ôn gì đâu ý..."

Ông vén lọn tóc lòa xòa trước trán của tôi qua tai, thở dài rồi trầm giọng buông ra một lời nhẹ hẫng.

"Vì động lòng đấy con ạ."

Tôi ngơ ngác ngẩng đầu, hốt hoảng bám lấy tay ông nắm chặt.

"Thế cứ động lòng như này mãi thì con bệnh chết luôn à ông?"

"Con ngớ, sao lại nghĩ thế?"

"Con thấy người phàm đều thế mà, cứ đau tim đau ruột, nóng sốt vài phen là lăn ra chầu ông bà cả. Con đau như thế này cũng mất mấy chục năm rồi, càng ngày càng nặng, có phải là sắp chết không ông?"

"Sắp cái đầu mày ấy," ông nhíu mày vò vò đầu tôi. "Đâu, đau ở đâu? Khi nào? Ra sao mà đòi bệnh chết?"

Tôi sốt sắng chỉ vào bụng mình, rồi thấy cũng không phải, bèn chuyển lên chỉ ngực, ngẫm tới nghĩ lui lại thấy vẫn chưa đúng, cứ luôn tay hết chỉ chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng bí quá đành lắc đầu nói nhỏ.

"Đau ở khắp nơi ông ạ, lúc quặn ở ruột, lúc nhói ở tim, lúc bồn chồn trong dạ, lúc nhức nhối trên đầu, muôn hình vạn trạng không sao tả siết, cứ ở gần ông là con quẫn lên như thế, đến có khổ thân ngựa của con không cơ chứ...?"

Mặt ông thoáng chốc đã thẫn ra, có hơi mê man nhìn tôi không chớp mắt.

"Rồi... ông biết thế nào để mày hết đau bây giờ?"

"Cái Phượng ở cửa Đông bảo, ông cứ động lòng lại là con sẽ hết đau ngay!"

Tay ông chững lại trên tóc tôi, đoạn lựng khựng rụt về, đầu chếch lên nhìn về nơi xa, ông lặng lẽ trầm giọng, lời thốt ra có chút lạc lõng, lắm nỗi não nề.

"Ông mày làm gì có cái khả năng đó chứ..."

Không hiểu sao, lòng mề tôi lại bắt đầu nhói lên. Nó đau, nó oằn, nó quặn như có người đang đánh đỗ tương trong ấy. Trước khi kịp nhận ra bản thân đang làm gì, tôi đã bật người đứng dậy tức tối hỏi lớn.

"Sao lại không có khả năng đấy ạ?! Cứ có lòng thì sẽ có thể động thôi! Lẽ nào đến bộ lòng ông cũng không có?"

Đến đây thì tôi chợt nhận ra mình vừa phạm tội bất kính, vội vã bịt mồm xoay mặt đi không dám nhìn ông lớn.

Phía sau tôi, lập tức có tiếng thở dài bật ra ảo não.

"Mày còn nhớ mình tên gì không, ngựa trắng?"

"Trăng ạ," tôi sẽ sàng đáp, tay bối rối vò nhàu dải lưng. "Tên ấy cụ trưởng bảo cụ đã trót đặt bậy cho con trong lúc say rượu ạ."

"Thật ra, tên ấy là do ông đặt cho mày."

Tôi quay ngoắt lại trố mắt nhìn ông.

"Vì lúc mày mới đẻ ra toàn thân tròn ũm, trắng au, nom như mặt trăng ngày rằm nên ông đặt thế."

Tôi mắc nghẹn, không biết nói gì. Hóa ra cái vị này đây mới là thủ phạm khiến tôi bị đồng loại chế giễu suốt bốn trăm năm...! Ai đời ngựa âm phủ mà đi lấy cái thứ thiêng thứ linh của thiên giới làm tên?

Chưa kịp mở mồm oán thán, cái vị kia đã tiếp lời.

"Vạn vật trên đời sinh ra vốn thân bất chủ, có được cái tên để người thương kẻ nhớ, gửi gắm nghĩa tình, mới có tư cách làm chủ bản thân. Kẻ không tên như mái đình không danh tự, cả đời đã định chỉ có thể che mưa chắn gió cho khách thập phương, nào có quyền có duyên để mà động lòng động dạ?"

Tuy lời ông nói tôi cái hiểu cái không, song sự bất lực nhạt nhòa lẩn khuất trong từng hơi thở thì tôi nhận ra ngay. Tôi không muốn ông lớn phải buồn như thế, đã định bảo thôi cho qua chuyện, ngờ đâu ông lại nhìn thẳng vào mắt tôi nói tiếp.

"Trăng này, ông trông mày từ lúc sinh ra, nhìn mày lớn lên, ba mươi năm qua còn ngày ngày được mày chăm lo hầu hạ, ông không phải không muốn động lòng với mày. Chỉ là... trời sinh ra ông không định cho mục đích này, ông cũng đành bất lực."

"Vậy chứ... Tần Quảng Vương chẳng phải là tên của ông đó sao?"

Ông chỉ cười, đầu lắc nhẹ. "Đấy chỉ là phong hiệu Đế ban để phàm nhân dễ dàng nhận biết. Tên, phải từ cha, từ mẹ, hoặc tự thân ngộ giác."

"Con cũng nào có cha có mẹ đặt tên cho, nhưng vẫn có thể động lòng đó thôi..." bụng chộn rộn, tôi khẽ khàng nói bướng.

"Ấy là vì từ nhỏ ông đã ở trước mặt chúng quỷ đặt cho mày cái tên 'Trăng', tự khắc chúng nó sẽ gọi mày bằng 'Trăng', mày lớn lên nghe người xung quanh gọi vậy, cũng tự giác ngộ bản thân chính là con Trăng của Nhất điện Diêm phủ. Sự vốn chỉ đơn giản là thế."

Níu lấy tay áo ông lớn, tôi gan lì cầu khẩn.

Bạn đang đọc bộ truyện Phu Chăn Ngựa tại truyen35.shop

"Vậy con đặt tên cho ông lớn nhé? Đặng ông cũng có một cái tên để động cái lòng..."

"Vạn năm đã trôi, trăm ngàn bể dâu đã trải, ông không còn có thể giác ngộ, cũng không thể nghịch thiên tự đi giâc ngộ, Trăng ạ."

Hôm đó, giữa cảnh sắc âm u tù mù phảng phất khói linh của địa giới, lần đầu tiên tôi thấm thía hết ý nghĩa của hai chữ "đau, lòng."

Tôi ngồi sụp xuống nền cỏ, co người bó gối nhìn ra suối Vàng, lát sau liền có bàn tay quen thuộc đặt lên đầu tôi xoa nhẹ. Ông hỏi tôi, lại sao thế?

Tôi ngước mặt nhìn lên chúa mình, mắt dường như bị gió làm cho cay xè, mêu mếu nói khẽ; ông ơi, thì ra... 'đau lòng' không chỉ đơn giản là có mỗi cái lòng nó đau đâu ạ...

.

Tôi buồn, mà cũng chỉ buồn vài ngày lại thôi, vì đã nghĩ thông rồi. Tôi cần gì ông lớn phải động lòng ngược lại cơ chứ? Cứ như cái việc đau tim đau ruột, buồn vui thất thường, tâm tình ẩm ương suốt ngày nghĩ cách đeo bám một người của tôi là hay ho lắm ý... mà còn muốn lây sang ông lớn? Ông còn phải gánh vác việc sinh việc tử của một lũ phàm nhân, hằng ngày bận bịu đến độ ngủ ngáy cũng chẳng màng, nếu phải đeo vác tội vạ như tôi thì nhọc đến phát điên mất. Tôi đã bốn trăm tuổi đầu rồi, cũng nên thôi cái thói đành hanh, cái nư trẻ nít đi thôi...!

Suy sâu nghĩ cạn xong xuôi, tôi hiên ngang lẫm liệt bê chè bánh đến thưa với ông lớn, từ rày về sau tôi không cần ông động lòng động mề ngược lại chi nữa! Bản thân tôi mang vác cái tội nợ này mấy chục năm thôi mà đã muốn phát điên vì đau tim đau phổi rồi, nặng lòng với thiên hạ như ông mà vương phải, đến là phát khùng thật mất, vẫn nên né xa thì hơn. Đã xấu mà còn khùng thì ma nào thèm kính ông nữa chứ?

Nghe đến đấy thì ông lớn nhà tôi sặc chè, vuốt ngực mãi một lúc sau mới có thể mở miệng.

"Thế... cái sự đau của mày phải làm sao để dứt đây?"

Tôi bình tĩnh chớp mắt, đáp một cách tất nhiên.

"Thì đi tìm kẻ khác để động lòng thôi ạ, kẻ nào mà có cái bộ lòng có thể động ngược lại ấy."

Không hiểu vì sao sau câu ấy, ông lớn lại bất động nhìn tôi rất lâu.

.

Tính ra, tôi cũng may thật, lời vừa nói ra không bao lâu, kẻ mang bộ lòng có khả năng động ngược đã tự thân dâng đến cửa.

Chuyện bắt đầu từ khi tôi rỗi rãi quan tâm đến đạo làm thú cưỡi còn chút thiếu sót của mình. Mãi lo chìm đắm vào cái tội nợ động lòng, tôi suýt nữa đã quên mất ngoài việc theo hầu, còn một thói lề vô cùng quan trọng với thú cưỡi mà đến tận giờ tôi vẫn chưa làm được: được cưỡi.

Làm thú cưỡi mà cứ không được cưỡi thì còn ra cái giống chi nữa?

Ấy vậy mà mỗi lần tôi gặp dịp ưỡn lưng ra cho ông lớn leo lên, ông đều im ỉm nhìn tôi rất lâu, đoạn phẩy tay bảo không cần. Lắm lúc rỗi rãi đưa tôi ra đồi chăn dắt cũng thế, mặc cho tôi ra sức chèo kéo, ông vẫn nhất mực không chịu thượng mã, còn bảo ông có cụt què gì đâu mà cần ngựa cưỡi. Ừ thì chẳng cụt chẳng què, thế mà mỗi bận vào Phong Đô trình diện, ông vẫn leo lên võng bát cống để quỷ sai khênh đón đó thôi, có thấy ông đi bộ hay đằng vân bao giờ đâu? Thế mà bảo ngồi lên lưng tôi lại lăn ra làm mình làm mẩy, đến là phát bực!

Càng nghĩ càng uất, càng suy càng nghẹn, tôi bèn đem cái nỗi niềm trăn trở giãi bày cùng cụ trưởng tộc mình. Ban đầu mới nghe đến lời than vãn không được chủ cưỡi của tôi, cụ suýt nữa đã ngã từ võng xuống, sau mãi một tuần chè mới sẵng giọng ậm ừ than nhẹ, ra là mày nói về cưỡi ngựa...

Thưa gửi tới lui, cuối cùng cụ phán ông lớn nhà tôi chê tôi cước bộ không đủ đoan thuần, dáng dấp không đủ nghiêm oai nên mới không thèm cưỡi. Dẫu gì cũng là một đấng diêm vương, có đâu lại đi cưỡi một con ngựa trắng suốt ngày õng a õng ẹo chải bờm vuốt lông? Mất mặt chết mất!

"Thôi chết...!" tôi khẩn trương bổ nhào đến bên gối cụ hô to. "Thế phải làm sao đây hở cụ? Cụ thương thì dạy con với cụ ạ, không thì con đến chết vì nhục với cái đám con Phượng mất..."

Cụ trưởng nằm trên võng vừa rung đùi vừa vuốt râu suy ngẫm, ấy rồi đưa tay lên trầm tư bấm đốt, đến ngón trỏ thì mắt chợt láo liên như phát hiện ra gì đó hay ho. Cụ bật ngồi thẳng dậy, thõng chân xuống đất, tay vỗ đôm đốp lên đùi nói liền mấy lần "đã đến ba mươi năm," đoạn lại gật gù ra vẻ đã thấu triệt lẽ đời ghê lắm.

"Tao dạy này, mày mà muốn ông lớn an tâm cưỡi lên, trước hết là phải tìm người giúp luyện cho cái dáng đi tướng chạy. Chờ đã ra dáng thần thú rồi mới quay về hầu chủ, lúc ấy họa may ông lớn sẽ nhìn mày khác đi."

"Con cũng đã từng nghĩ vì mình vụng chúa mới chê, đã toan đến chuyện nhờ người phối hợp để chóng quen với cảm giác được cưỡi rồi ạ, hiềm một nỗi cả cái Nhất điện này có ai dám leo lên lưng con ngồi đâu mà giúp đỡ?"

Tay se se ngọn râu, cụ trưởng cười một cách tinh ý.

"Mày đã đến hỏi cái ông dạ xoa mới đến chỗ mình chưa?"

Rồi cụ giải thích cái ông dạ xoa ấy là quỷ quan từ Thập điện mới lên, âm khí dồi dào, tâm cao khí ngạo nên sẽ không lo chuyện cưỡi không lên một con ngựa trắng tầng đầu địa phủ. Ông ấy còn có công cán phải ở lại Nhất điện một quãng thời gian dài, thừa đủ cho tôi lân la nịnh nọt cậy nhờ giúp đỡ.

Tôi gật gù cho là đúng lắm, cúi lạy cụ trưởng vài cái rồi lót tót chạy đi tìm cái ông dạ xoa Thập điện kia. Người vừa nhìn thấy đã khiến tôi bồi hồi không nguôi. Đúng là cái giống dạ xoa sinh ra đều đẹp đến hoa mày chóng mặt, khiến cho quỷ ngựa tôi đây ngẩn ra trước mặt người ta cả buổi trời mà vẫn không sao mở miệng nên lời.

Quấn quít hỏi han hơn nửa buổi, tôi mới biết gã chỉ hơn tôi vài tuổi, lại thấy gã nhỏ nhẹ khiêm nhường với mình, bèn đánh bạo gọi luôn bằng anh. Gã bối rối một lúc rồi cũng thuận theo, cúi đầu bẽn lẽn gọi tôi hai chữ "em, Trăng" ngọt xớt, bộ dáng rụt rè thậm thụt như rùa con sắp bị bỏ vào nồi cháo.

Nghe lời cụ trưởng, tôi chẳng vội nói ngay mục đích của mình mà lân la làm thân trước, dẫu gì việc này cũng không có gì lấy làm quang minh, kín kẽ vẫn là hơn.

Ấy vậy là ngày qua ngày lại, ngoài mấy chuyện cọng cỏ mọc muộn, chuyện đám con Phượng hùa vào chọc phá, giờ đây tôi còn có chuyện về anh dạ xoa đẹp mã để mua vui cho chúa mình những lúc rỗi nhàn. Tôi kể ông nghe về cái tật đỏ mặt lạ lùng của anh mấy lần nhìn thấy tôi chờ ở cổng Địa ngục, về mấy mẩu chuyện thú vị lúc đi bắt oán hồn anh kể cho nghe, có lần hứng chí còn khoe luôn các thứ long lanh lóng lánh anh đem về tặng.

Những lúc ấy, chẳng hiểu bị vong nào ám mà chúa tôi đều im đến lạ. Thường ngày đến cả chuyện tôi hóc lá cây cũng có thể khiến ông cười bò, thế mà lúc tôi kể mình nhầm lẫn món trâm cài đầu anh dạ xoa tặng thành đồ ăn mà nuốt xuống, ông cũng chẳng mảy may nhếch môi lấy một cái. Quẫn nhất là lúc tôi buột miệng khen anh ta vừa đẹp mã vừa tài cán, mới vài trăm tuổi đã làm đến quan to Thập điện, được làm vợ anh hẳn cũng oai phong không kém cái ngôi Phong Đô Hoàng Hậu là bao, ông liền bẻ luôn cây bút lông sói vô vàn ưa thích trên tay mình.

Là lỗi của tôi hết, rõ ràng biết chúa mình đã luôn tự ti bởi tư sắc kém cạnh, còn dại dột đi tâng bốc người ngoài trước mặt ông, bảo sao ông không tự ái cho được...? Tôi đúng là cái phường càng lớn càng dại dột ngu si như bọn con Phượng thường chế mà...!

Cái đêm cô hồn các đảng đua nhau ùa lên nhân giới vào tháng bảy năm ấy, thấy địa phủ trống trơ vắng vẻ, tôi lại đần độn gây ra lỗi lầm to lớn: mở miệng nhờ cậy anh chàng dạ xoa luyện cho cái dáng điệu ngựa chiến oai hùng.

Anh này dĩ nhiên đồng ý ngay, không một chút mảy may lo sợ sắc trắng của tôi sẽ làm giảm âm uy của mình. Thế mới thấy lời của cụ trưởng luôn là chân lý, cứ việc làm y là không sai vào đâu được.

Ngay thời khắc anh ấy tung người toan nhảy lên lưng tôi, từ xa tôi đã bắt được bóng của cái võng bát cống chóp đỏ quen thuộc. Ông lớn hôm nay lại về sớm mới chết.

Chưa kịp quay ra sau bảo thôi, xung quanh tôi đã bùng lên một cụm khói đen mù mịt, toàn thân của anh dạ xoa sau đó rơi phịch một cách nặng nề ngay trước mặt mình.

Ngoái cổ lại, đã thấy ngay cái cằm quen thuộc chếch cao.

"Xin lỗi bác Thị Giả Dạ Xoa nhé, bổn vương không thích người khác cưỡi ngựa của mình, đành thất lễ."

Tôi rùng mình trước nụ cười lễ nghĩa đầy mùi bia mộ rất đặc trưng của chúa, bất ngờ bị thúc bên sườn một cái rõ đau, bèn theo bản năng ngẩng đầu hí vang, tung cánh ra cất vó.

Bờm bị siết chặt, tôi gồng mình phi nước đại đến đồi cỏ thường ngày, ông lớn vừa tụt xuống khỏi lưng thì mồ hôi tôi cũng đã vã ra như tắm, cũng chẳng biết là do nhọc hay sợ nữa.

Tuy cụ trưởng chưa hề nhắc đến, song tôi cũng biết mình vừa thất ý, chưa được chủ đồng ý mà để kẻ khâc cưỡi lên là tội bất trung, dẫu tôi có câi lẽ riêng, bị chủ bắt được thì cũng là chuyện xấu hổ, nhuốc chết đi được...!

Tôi cúi gằm một hồi chờ đợi bị quở mắng, lâu lâu lại trộm nhìn dáng lưng căng thẳng của cái vị trước mặt mình đầy lo sợ, cứ nghĩ bất cứ lúc nào cũng có thể ăn vài nhát roi trừng phạt là thấy rùng mình.

Nhưng rồi ông lớn cũng chỉ chắp tay đứng đó, tĩnh lặng đìu hiu như tượng ngựa đá gác trước cổng chùa hoang.

Chừng khói trâng từ xương cốt vùi dưới lòng suối đã bốc lên rợp xám cả khoảng trời, ông mới rũ vai thở hắt ra một cách khuất phục, thể như vừa quyết định điều gì đó tai hại lắm.

"Ngựa trắng này," ông trầm trầm dạy mà chẳng quay lưng. "Ông mày sắp sửa làm ra chuyện nghịch thiên rồi."

Tôi ngớ ra một lúc, chuyện nghịch thiên gì cơ chứ? Tôi ngu thế này, ông chẳng nói huỵch toẹt thì làm sao tôi hiểu? Song vừa rồi vừa mới làm phật lòng chủ xong, tôi cũng chẳng dám lắm điều, bèn chỉ biết lững thững đến gần mặt ông hít hít an ủi.

Có một điều lạ là đang thân mến nửa chừng thì ông vỗ lên bờm biến tôi lại hình người, ấy rồi lần đầu tiên trong đời duỗi tay ra ôm chặt lấy tôi.

Môi, sau đó cũng hé mở.

Lạ thật, tôi chẳng biết quỷ thần có cốt dạng từ người lại có thói quen liếm láp ngược lại thú cưng của mình cơ đấy...


----------------------------------
Ahahahaha... sao chưa hết nữa ta...?﹋o﹋


Bạn đang đọc truyện trên truyen35.shop , Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

Bạn có thể tìm kiếm truyện với các từ khóa sau: Phu Chăn Ngựa, truyện Phu Chăn Ngựa , đọc truyện Phu Chăn Ngựa full , Phu Chăn Ngựa full , Phu Chăn Ngựa chương mới


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Back To Top